Với tính ứng dụng thực tiễn cùng với hiệu quả cao đã được chứng minh trong việc hướng dẫn các em đọc và tìm hiểu trước nội dung học tập trước khi đến lớp, giới thiệu với thầy cô một mô hình lớp học kiểu mới – mô hình “Flipped Classroom” hay còn gọi là Lớp học đảo ngược.
Mô hình Lớp học đảo ngược là một mô hình lớp học tập trung lấy người học làm trung tâm và ứng ứng dụng phương pháp hướng dẫn người học tự tìm hiểu nội dung trước bài giảng. Mô hình này được hình thành và phát triển lần đầu vào những năm 1990 tại Mỹ. Tới nay, mô hình đã chứng minh tính ứng dụng của nó trong việc thúc đẩy người học và cả người dạy tương tác trong lớp học hiệu quả hơn gấp nhiều lần so với mô hình lớp học truyền thống. Cụ thể, mô hình này sẽ tập trung vào 2 giai đoạn: Giai đoạn ngoài lớp học và Giai đoạn trong lớp học. Ở giai đoạn ngoài lớp học, người dạy sẽ tập trung vào việc đưa ra các tài nguyên về bài giảng tới người học thông qua một kênh giao tiếp chung; trong khi người học sẽ dựa vào tài nguyên đó để đọc, học, và tìm hiểu trước về chủ đề bài giảng trước khi học trực tiếp trên lớp. Sau đó, ở giai đoạn trong lớp học, người dạy và người học sẽ cùng tương tác, thảo luận với nhau về các kiến thức mà họ có về chủ đề tiết học trong buổi đó.
Tuy rằng mô hình Lớp học đảo ngược hiện chỉ phổ biến tại các bậc học từ Đại học trở lên, nhưng với sự phát triển mạnh mẽ của chuyển đổi giáo dục số trong hơn 1 năm vừa qua tại Việt Nam, tin rằng đây sẽ là xu hướng giáo dục của tương lai mà thầy cô cần nắm bắt. Để triển khai mô hình, thầy cô cần lưu ý và ghi nhớ 4 yếu tố chính sau đây:
F – Flexible Environment (Yếu tố môi trường linh hoạt)
Môi trường linh hoạt ở đây tức là người học có thể được chọn nơi học và thậm chí là giờ học. Có thể điều này sẽ khá là bất khả thi ở trường học tại Việt Nam, tuy nhiên thầy cô luôn có thể thực hành yếu tố này bằng cách đổi môi trường học cho các em học sinh. Ví dụ, với các tiết tự học thì chúng ta có thể thay đổi môi trường bằng cách cho các em học tại các phòng học chuyên đề hay các phòng chuyên biệt dành cho từng môn như phòng thí nghiệm, phòng máy,…
L – Learning Culture (Yếu tố về văn hóa khi học)
Để mô hình đổi mới này thực sự trở nên hiệu quả, chúng ta cần loại bỏ tư duy truyền thống. Ở mô hình lớp học truyền thống, chúng ta được biết rằng người dạy là trung tâm của lớp học khi kiến thức đều được truyền đạt từ một phía của người dạy. Tuy nhiên, tại mô hình Lớp học đảo ngược, người học mới chính là trung tâm của lớp học. Qua việc tìm hiểu thông tin trước khi đến lớp, nguồn kiến thức sẽ không chỉ được đưa ra từ một phía nữa, mà giờ đây người học cũng sẽ trở thành những nguồn kiến thức của lớp học. Qua việc chia sẻ và bàn luận kiến thức, lớp học sẽ trở nên sống động hơn đồng thời lượng kiến thức được đưa ra cũng sẽ dồi dào hơn, đặt ra được nhiều những câu hỏi xung quanh kiến thức trong buổi học, đồng thời rèn luyện tư duy phản biện cho toàn bộ thành viên của lớp học.
I – Intentional Content (Yếu tố truyền đạt nội dung)
Yếu tố truyền đạt nội dung – hay ở đây là kiến thức – được nhắc tới ở đây để nhắc nhở người dạy cần có phương pháp khi hướng dẫn người học tự học tại nhà. Ví dụ, khi thầy cô giao bài tập về nhà cho các em học sinh là tìm hiểu trước bài học của tiết sau, chúng ta không nên đưa ra một “đề bài” mông lung và quá rộng vì điều đó có thể sẽ gây khó cho người học để tìm hiểu được lượng kiến thức đúng trọng tâm bài học. Thay vào đó, chúng ta sẽ đưa ra các đầu mục như tìm hiểu bài học tiết sau qua SGK, đặt ra một số câu hỏi cụ thể để học sinh có thể tự tìm hiểu qua sách báo, mạng internet,… Như vậy, từ việc giao bài tập chúng ta cũng đang giúp học sinh của chúng ta tự tìm hiểu kiến thức được chính xác hơn và gần với trọng tâm môn học hơn.
P – Professional Educator (Yếu tố chuyên nghiệp trong giảng dạy)
Và cuối cùng là sự chuyên nghiệp trong giảng dạy. Nghe thì có vẻ dễ dàng nhưng nếu thầy cô áp dụng mô hình học đổi mới này, thầy cô sẽ nhận thấy sự khác biệt rõ rệt. Tại mô hình học truyền thống, vì người dạy là trung tâm của lớp học nên hệ quả là lời nói của người dạy cũng quan trọng hơn cả. Tuy nhiên, với mô hình đổi mới, người dạy chỉ giữ vai trò là người quản lý, bao quát lớp học. Ngoài ra, người dạy sẽ cùng với người học đưa ra đánh giá, nhận xét, trao đổi để tìm ra được phương hướng dạy và học phù hợp và hiệu quả hơn cho người học. Như vậy có thể thấy rằng, tại mô hình đổi mới này người dạy và người học có vai trò ngang nhau, giống như một “đôi bạn cùng tiến”.
Với sự linh hoạt của mô hình học này, khuyến khích quý thầy cô tự tìm ra phương pháp hướng dẫn tự học phù hợp với học sinh. (Tham khảo bài viết phương pháp học tập hiệu quả dành cho học sinh)