“Nghỉ lễ nhưng không làm biếng”: Làm thế nào để bài tập Tết trở nên thú vị hơn?

Sylvia Nguyen

Sylvia Nguyen

“Nghỉ lễ nhưng không làm biếng”: Làm thế nào để bài tập Tết trở nên thú vị hơn?

Trước những kì nghỉ lễ dài giữa kì học như Tết, thầy cô hẳn sẽ lo lắng các em học sinh có chút “mải chơi” mà quên lãng việc ôn luyện bài vở. Vậy nên chúng ta vẫn luôn giao nhiều bài tập Tết (BTVN trong thời gian nghỉ lễ) hơn bình thường cho học sinh, cốt để giúp các em cân bằng giữa việc đi chơi lễ mà không quên “nhiệm vụ” học tập của mình. Tuy nhiên, số lượng bài tập dồn dập cùng lúc có thể sẽ gây tâm lý “chán nản” cho các em, gây ra tác dụng ngược khiến các em “lười” hơn cả lúc thường. Nhưng thầy cô cũng không cần quá lo lắng đâu, nếu thầy cô có thể tạo dựng thói quen và phương pháp để giúp các em học một cách hiệu quả hơn với số thời gian rảnh trong kì nghỉ lễ, thì hẳn các em học sinh của chúng ta sẽ vững vàng quay lại trường lớp kể cả sau kì nghỉ lễ đó ạ.

Giao bài tập Tết qua thử thách “bucket list”

“Bucket list” là một cụm từ trong tiếng Anh chỉ một danh sách những việc cần làm trước khi rời khỏi thế giới. Nghe thì khá là u ám, nhưng đối với với giới trẻ tại Việt Nam thì cụm từ này đã dẫn trở thành từ khóa để ám chỉ danh sách thử thách. Đối với các em học sinh ở độ tuổi “teen”, hẳn cụm từ này cũng không xa lạ với các em.

Với việc tạo ra một danh sách các bài tập về nhà dưới dạng một “bucket list”, điều này sẽ làm tăng sự hứng thú của các em học sinh để hoàn thành bài tập về nhà đó. Điều tuyệt vời hơn là, “bucket list” tạo ra tâm lý thoải mái và tự nguyện hoàn thành những mục có trong danh sách đó mà không bị đè nặng áp lực về trách nhiệm hay tâm lý bắt buộc.

Để bắt đầu chuỗi thử thách, đầu tiên, thầy cô cần đưa ra 1 danh sách những bài tập cần các em hoàn thành trong Tết. Danh sách này không nên quá dài, vì nếu thử thách “quá khó” thì sẽ dễ khiến các em nản chí. Sau đó, thầy cô hãy tạo ra một cái tên cho chuỗi thử thách này, ví dụ như “Nghỉ Tết nhưng không biếng” chẳng hạn. Và cuối cùng, để giúp danh sách “bucket list” BTVN trở nên thân thiện và thú vị hơn, thầy cô hãy tham khảo và sử dụng các mẫu thiết kế danh sách đẹp mắt và đặt nội dung vào thiết kế đó. Chắc chắn với sự đầu tư công phu, danh sách thử thách “bucket list” sẽ thu hút các em học sinh tham gia thử thách đó ạ!

Tạo thói quen học bài với một danh sách mục tiêu

Sau khi chúng ta đã tạo ra những “thử thách” là bài tập Tết cho các em, chúng ta sẽ cần giúp các em định hình một thời gian học cố định ngay cả trong lễ để giúp các em giữ thói quen học tập trong ngày. Dù là kì nghỉ nhưng nếu các em học sinh để đến những ngày cuối mới hoàn thành bài tập, thì các em vô hình chung vẫn sẽ cảm thấy áp lực vì thời gian các em dành ra để làm bài tại những ngày nghỉ cuối cùng sẽ bị gấp rút. Vậy nên, để việc làm bài tập về nhà, hay hoàn thành thử thách trong “bucket list” được hiệu quả hơn, chúng ta cũng nên hướng dẫn các em tạo lập thói quen dành thời gian học tập mỗi ngày.

Để có thể thiết lập một thói quen, chúng ta có thể trò chơi hóa quá trình đó. “Trò chơi hóa” có nghĩa là biến những việc làm thường ngày thành một trò chơi để tạo hứng khởi. Qua việc biến 1 mục tiêu trong ngày thành trò chơi, chúng ta đang khuyến khích các em “ghi bàn” hay “tạo ra kỉ lục mới” cho những mục tiêu dưới dạng trò chơi này. Theo tâm lý học, việc hoàn thành một mục tiêu đặt ra sẽ tạo nên sự thỏa mãn và tạo ra động lực để các em duy trì việc đạt được mục tiêu cho lần sau. Và đó là cách mà chúng ta giúp các em tạo ra một thời gian biểu cố định cho việc học tập hàng ngày.

Với hoạt động này, thầy cô sẽ cần hướng dẫn các em đặt ra một thời gian trong ngày hoặc một lượng thời gian nhất định để học bài. Ví dụ, các em có thể chọn ra “Tối học 2 tiếng” hoặc “20h tối mùng 1 học bài 1 tiếng”,… Mỗi một dòng thời gian các em ghi ra sẽ trở thành một mục tiêu hàng ngày của các em. Sau khi hoàn thành mục tiêu, các em có thể đánh dấu hoặc gạch bỏ đi mục tiêu đó trong danh sách mục tiêu hàng ngày của chính mình. Theo tâm lý học, việc hoàn thành một mục tiêu đặt ra sẽ tạo nên sự thỏa mãn và tạo ra động lực để các em duy trì việc đạt được mục tiêu cho lần sau.

Khuyến khích sự quyết tâm với dự định năm mới

Phương pháp cuối cùng là tăng cao sự quyết tâm học tập trong năm mới của các em bằng cách giúp các em tạo ra dự định trong năm mới (hay còn gọi là “New Year resolutions”). Ở các nước phương Tây, khái niệm này hẳn đã không còn xa lạ, tuy nhiên tại Việt Nam thì vẫn còn khá mới mẻ. Về cơ bản, tạo ra dự định trong năm mới là khi chúng ta viết ra những điều mà chúng ta mong muốn có thể đạt được trong năm nay. Lí giải tâm lý, việc đề ra những dự định trong năm mới sẽ giúp bản thân chúng ta có nhiều quyết tâm để hành động để đạt được những dự định đó.

Với sự ảnh hưởng tích cực của việc đặt ra dự định năm mới, chúng ta cũng có thể áp dụng cách làm này để giúp học sinh có thêm quyết tâm học tập. Thầy cô có thể tổ chức hoạt động viết lên những dự định năm mới dành cho học sinh trước khi chúng ta nghỉ lễ, hoặc giao hoạt động này cho học sinh như BTVN trong Tết. Cụ thể, thầy cô có thể giải thích cho các em dự định năm mới là gì và cho các em xem hình ảnh minh họa cho các bản phác họa dự định năm mới. Sau đó, giao cho các em vẽ ra dự định năm mới trong học tập của chính các em trong kì nghỉ lễ. Cuối cùng, sau kì nghỉ, thầy cô hãy yêu cầu các em mang những dự định năm mới của mình tới lớp và cùng chia sẻ với mọi người để tạo tương tác, tình đoàn kết trong lớp thầy cô nhé!

Sylvia Nguyen

About Sylvia Nguyen

Hello! I'm Sylvia. I enjoy writing and have a deep passion for exploring and researching effective education and learning methods. If you're interested in my articles, make sure to check out ClassPoint's blogs regularly to read pieces for me! Thank you!

Supercharge your PowerPoint.
Start today.

800,000+ people like you use ClassPoint to boost student engagement in PowerPoint presentations.