Ở bài viết trước, chúng ta đã cùng tìm hiểu về cách để truyền đạt cho học sinh tạo môi trường học tập hiệu quả. Trong số 10 phương pháp học tập hiệu quả đã được nghiên cứu của trường đại học University of St. Augustine, ClassPoint sẽ lấy ra 5 phương pháp học tập có tính ứng dụng cao, phù hợp với học sinh Việt Nam nhất để thầy cô cùng tham khảo:
Phương pháp SQ3R (The SQ3R Method)
Đây là phương pháp hướng dẫn học sinh cách đọc trước bài để tự học tại nhà trước khi tới lớp. Cụ thể, SQ3R là chuỗi hoạt động gồm 5 bước được viết tắt cho: Survey (Khảo sát bài học) – Question (Đặt câu hỏi) – Read (Đọc và tìm kiếm thông tin) – Recite (Ghi chép lại thông tin) – Review (Ôn luyện và xem lại kiến thức).
- Bước 1: Khảo sát bài học (Survey)
Đây là bước đầu tiên để các em học sinh hiểu qua về những thông tin mình sắp tiếp nạp. Tại bước này, các em cần đọc lướt qua tất cả các thông tin có trong bài học cần tìm hiểu, và ghi chú lại những phần mà các em cảm thấy là thông tin quan trọng (Ví dụ: các tiêu đề, đầu mục từng phần, hình ảnh minh họa, biểu đồ có trong sách,…)
Qua việc xem trước một lượt các kiến thức sẽ được học qua sách giáo khoa và ghi chú, các em sẽ có những ấn tượng đầu tiên về kiến thức các em sẽ được học trong giờ học sắp tới.
- Bước 2: Đặt câu hỏi (Question)
Tiếp sau việc khảo sát bài học, học sinh cần tự đặt câu hỏi về bài học đó. Ví dụ như, “Bài học đó nói về điều gì?”, “Mình đã có kiến thức gì về bài học này chưa?”,… Thầy cô hãy hướng dẫn các em liệt kê tất cả các câu hỏi mà các em đặt ra ngay sau khi khảo sát xong bài học vào 1 trang giấy hoặc vở, để sau đó chúng ta có thể chuyển qua bước 3.
- Bước 3: Đọc và tìm kiếm thông tin (Read)
Sau khi các em đã có 1 danh sách các câu hỏi liên quan tới bài học, các em sẽ cần đọc kĩ lại 1 lần nữa để bắt đầu tìm kiếm câu trả lời cho chính các câu hỏi của mình. Tại bước này, chúng ta sẽ cần hướng dẫn các em đọc kĩ thông tin có được trong sách và tìm đáp án cho câu hỏi của các em đặt ra.
Tuy nhiên, có thể sẽ có những câu hỏi mà trong sách không có đáp án để trả lời cho các em. Lúc này, thầy cô có thể khuyến khích các em tìm kiếm thêm thông tin bên ngoài về chủ đề bài học trên mạng, hoặc khuyến khích để các em giữ lại những câu hỏi đó và mang tới tiết học để được giải đáp. Thầy cô có thể ứng dụng Short Answer để tổ chức 1 hoạt động thu thập tất cả các câu hỏi của học sinh về bài học để thầy và trò có thể cùng đối đáp và chia sẻ kiến thức cùng nhau, tăng tương tác cho lớp học luôn nhé ạ.
- Bước 4: Ghi chép (Recite)
Sau khi tìm ra được các đáp án từ trong sách, các em sẽ cần ghi chú lại những thông tin và kiến thức mà các em tự học được để có thể ghi nhớ kiến thức lâu hơn. Đồng thời, việc đọc và viết lại sẽ giúp chuyển hóa lượng kiến thức các em tìm kiếm được trở thành kiến thức của chính các em. Từ đó, học sinh sẽ hiểu bài dễ dàng hơn qua chính các câu hỏi và đáp án của bản thân các em.
- Bước 5: Ôn tập (Review)
Và cuối cùng đương nhiên không thể thiếu việc ôn luyện lại những gì đã học. Tại bước này, thầy cô hãy khuyến khích các em làm sau khi học xong tiết học trên lớp. Từ những kiến thức các em tự học, kết hợp cùng kiến thức thầy cô giảng tại lớp, các em có thể tự tạo ra các câu hỏi để tự kiểm tra kiến thức của chính mình. Hoặc, các em cũng có thể đọc lại những ghi chú tự học cùng bài đã ghi chú trên lớp để kết nạp lại toàn bộ nguồn thông tin và kiến thức các em học được.
Thực hành có khoảng cách (Spaced Practice)
Gọi là thực hành có khoảng cách vì phương pháp này khuyến khích hình thành thói quen học bài cho học sinh để tránh việc học tủ hoặc học trước khi thi trong thời gian ngắn. Chính vì vậy, “khoảng cách” được nhắc tới tại tiêu đề của phương pháp chính là khoảng cách về mặt thời gian. Để áp dụng phương pháp này, học sinh cần chia thời gian để học và luyện tập kiến thức các em học được trong 1 bài học theo khung thời gian cố định:
- Ngày 1: Học bài mới tại lớp
- Ngày 2: Ôn bài đã học tại ngày 1
- Ngày 3: Ôn lại bài đã học tại ngày 1
- Sau 1 tuần: Ôn lại bài đã học ở ngày 1
- Sau 2 tuần: Ôn lại bài đã học ở ngày 1
Như vậy, phương pháp này áp dụng cách chia thời gian trong 1 kì học của học sinh ra để học và ôn luyện lại kiến thức. Việc chia thời gian để học và ôn luyện sẽ giúp học sinh thu nạp kiến thức được lâu và kĩ càng hơn. Ngoài ra, việc xác định thời gian một mốc thời gian ở tương lai để ôn lại những kiến thức cũ sẽ giúp thúc đẩy các em học ôn tập hơn. Như vậy, áp lực trước khi thi cử của các em cũng sẽ được giảm vì khi đó kiến thức đã được các em ôn tập đều đặn và ghi nhớ.
Kỹ thuật Feynman (The Feynman Technique)
Đây là phương pháp giúp học và hiểu tổng quan bài học thông qua việc đơn giản hóa kiến thức học được. Cụ thể, kỹ thuật này dựa trên ý tưởng “Nếu bạn thực sự muốn hiểu một kiến thức nào đó thì bạn phải có khả năng giải thích nó một cách đơn giản”. Và kỹ thuật này thực sự dựa trên phương pháp đơn giản hóa kiến thức để giải thích.
Cách hoạt động của kỹ thuật Feynman:
- Bước 1: Chuẩn bị 1 trang giấy (hoặc vở), viết ra tiêu đề của chủ đề bài học mà học sinh muốn học và hiểu
- Bước 2: Sau đó, học sinh cần tự giải thích về chủ đề bài học đó qua ghi chú, sử dụng cách diễn đạt giống như đang giải thích cho người khác hiểu về kiến thức đó
- Bước 3: Sau khi viết ra lời diễn giải về kiến thức, học sinh cần xem lại và đối chiếu lời giải thích của mình với sách vở và ghi chép bài giảng trên lớp. Tại bước này, học sinh cần tìm ra sự khác biệt giữa cách giải thích của mình với kiến thức tìm được trong sách vở và bài giảng, để từ đó tìm ra lỗi sai hay lỗ hổng trong phần kiến thức của chính mình. Sau khi tìm ra điểm sai về mặt kiến thức, học sinh sẽ sửa lại phần kiến thức bị sai trong ghi chú diễn giải của chính mình.
- Bước 4: Cuối cùng, nếu trong phần diễn giải của các em có những từ ngữ chuyên ngành, thầy cô hãy khuyến khích các em chuyển các từ chuyên ngành thành những cách diễn đạt đơn giản và dễ hiểu hơn. Vì mục đích của toàn bộ phương pháp là giúp các em tự đơn giản hóa kiến thức thu nạp được theo cách dễ hiểu hơn, bước cuối cùng này sẽ hoàn tất toàn bộ diễn giải của các em về kiến thức học được. Từ đó, kiến thức các em ghi nhớ cũng sẽ dễ dàng được lưu vào não bộ nhanh và lâu hơn.
Ghi chú theo quy tắc màu (Color-code Notes)
Việc ghi chú bài giảng chỉ bằng 1 loại mực có thể khiến các em học sinh choáng ngợp mỗi khi tìm lại bài giảng và ôn luyện. Với phương pháp ghi chú theo quy tắc màu, các em học sinh sẽ có thể dễ dàng ôn tập bài cũ, ngoài ra cũng giúp các em hiểu và nắm rõ trọng tâm bài giảng qua những phần ghi chú có màu bút khác. Tuy nhiên để thực sự sử dụng phương pháp này một cách hữu ích, các em cần tập đặt ra một bộ quy chuẩn cho màu sắc ghi chú trong vở của các em.
Ví dụ, ghi chú bằng mực đỏ là ghi chú quan trọng – biểu thị cho các phần kiến thức trọng tâm quan trọng nhất. Trong khi đó, ghi chú bằng mực xanh là những ghi chú thông thường – biểu thị cho kiến thức bổ sung xung quanh phần kiến thức trọng tâm.
Thầy cô hãy khuyến khích các em tự quy định ra một hệ thống màu theo sở thích của các em, điều này sẽ giúp các em có hứng thú hơn trong việc ghi chép bài. Tuy nhiên, nếu các em học sinh “loay hoay” trong việc tự đặt ra quy chuẩn màu mực ghi chép, thầy cô cũng có thể giúp các em qua gợi ý sau đây:
- Sử dụng mực màu đỏ để biểu thị cho những ghi chép kiến thức trọng tâm, hoặc từ khóa cần đặc biệt lưu ý.
- Sử dụng bút nhớ màu vàng (bút highlight) cho các phần kiến thức xung quanh trọng tâm cần học.
- Các ghi chép thông thường nên sử dụng mực xanh hoặc đen.
- Nếu môn học có nhiều chủ đề (VD: Ngữ văn có phần học tác phẩm và Tiếng Việt khác nhau), nên đánh dấu các chủ đề khác màu nhau.
- Lưu ý: Không nên sử dụng quá nhiều màu sắc trong một ghi chép, vì có thể dẫn đến việc rối kiến thức khi ôn bài. Chỉ nên ghi chú bằng màu khác ghi chú thông thường với các thông tin và kiến thức quan trọng.
Sử dụng bản đồ tư duy (Mind Mapping)
Phương pháp cuối cùng hẳn là đã được thầy cô biết tới trong nhiều năm trở lại đây. Bản đồ tư duy, về lý thuyết, là một phương pháp học qua việc vẽ ra kiến thức và kết nối chúng với nhau theo cách mà não bộ của chúng ta vận động xung quanh bài giảng đó.
Ví dụ, với bài giảng chủ đề Lực hấp dẫn trong môn Vật Lý, học sinh trước hết sẽ viết ra chủ đề “Lực hấp dẫn” tại chính giữa bản đồ, sau đó các em sẽ gạch ra những thông tin và kiến thức quan trọng liên quan tới chủ đề này như “Được phát hiện lần đầu bởi Isaac Newton”, “3 định luật của Newton”,… Và cuối cùng, từ những thông tin và kiến thức mấu chốt liên quan tới “Lực hấp dẫn”, các em sẽ gạch ra những thông tin xung quanh các mấu chốt đó.
Để hướng dẫn các em tạo ra một bản đồ tư duy hiệu quả, thầy cô có thể tham khảo các bước sau đây:
- Bước 1: Lấy 1 tờ giấy trắng và viết ra chủ đề cần sử dụng bản đồ tư duy ở chính giữa trang giấy
- Bước 2: Vẽ và kết nối những thông tin và kiến thức mấu chốt với chủ đề đã được viết ra ở bước 1
- Bước 3: Vẽ và kết nối những thông tin và kiến thức xung quanh các kiến thức mấu chốt đã được viết ra ở bước 2
Gợi ý khi sử dụng bản đồ tư duy, các kiến thức tại mỗi tầng nên sử dụng màu khác nhau để phân biệt và ghi nhớ dễ dàng hơn.
Thầy cô hoàn toàn có thể hướng dẫn các em đồng thời cùng tạo ra 1 bản đồ tư duy cùng các em. Và với phương pháp này, thầy cô có thể sử dụng bảng vẽ whiteboard của ClassPoint và tính năng Slide Drawing để có thể thực hành một cách tốt nhất thầy cô nhé.